Phát biểu bên lề lễ khai mạc triển lãm máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ (Vietnam Woodworking Industry 2013) lần 10, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết đa phần các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ở tỉnh đều “không lo thiếu đơn hàng với nhu cầu đến từ nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật”.
Tuy nhiên, chi phí đầu vào của doanh nghiệp đều tăng khá nhanh do chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện, xăng dầu gần đây. Nếu không kiểm soát tốt chi phí, nâng cao năng suất lao động thì lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí “càng làm càng lỗ”.
Trong khi đó, với tình trạng đa phần các doanh nghiệp chế biến gỗ đã có thâm niên hoạt động từ vài năm đến hàng chục năm, công nghệ chế biến đã ít nhiều lạc hậu, nhu cầu thay mới hoặc nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho sản xuất rất lớn, ông Thanh cho biết.
Còn ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho hay Bình Định cũng là một trong những địa phương có thế mạnh về lâm sản và chế biến gỗ. Tuy nhiên các doanh nghiệp ở đây chủ yếu sử dụng thiết bị có chất lượng và tuổi thọ trung bình nhập khẩu từ thị trường Đài Loan, Trung Quốc hoặc sản xuất trong nước do quy mô sản xuất không lớn như các doanh nghiệp ở khu vực các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Điềm cho biết một số doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị nhập khẩu từ châu Âu, Nhật để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng của khách hàng.
Theo ông Điềm, ước tính Việt Nam có khoảng 2.500 doanh nghiệp lớn nhỏ đang họat động trong lĩnh vực chế biến gỗ vốn đã hình thành và phát triển mạnh trong 15 năm qua. Do vậy, nhu cầu nâng cấp và thay thế thiết bị, máy móc là rất lớn.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm đạt trên 3,34 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Trong 7 tháng đầu năm, ngoại trừ thị trường Đức (giảm 14,4%) và Pháp (giảm 2,2%), xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể xuất khẩu vào Mỹ tăng 7,2%, Trung Quốc tăng 14,7%, Nhật Bản tăng 20,3%, và Hàn Quốc tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển lãm máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ (Vietnam Woodworking Industry 2013) lần 10 diễn ra từ ngày 25 đến 28 tháng 9 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM. Có hơn 260 đơn vị tham gia triển lãm đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500 gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, công nghệ và dịch vụ. Triển lãm được tổ chức với sự hợp tác của chi nhánh Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad), Công ty Triển lãm quốc tế Chan Chao và một số đối tác, hiệp hội như Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Liên đoàn các nhà sản xuất máy chế biến gỗ châu Âu (Eumabois). Triển lãm lần này có sự tham gia của các hiệp hội như Liên đoàn các nhà sản xuất máy chế biến gỗ châu Âu (EUMABOIS), Hiệp hội máy chế biến gỗ Đức (VDMA), Hiệp hội máy chế biến gỗ và công cụ Ý (ACIMALL), Hiệp hội máy chế biến gỗ Đài Loan (TWMA), Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ (AHEC). |